Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

TÍNH NGÔN SỨ CỦA ĐỜI TU








Đời tu, đời bước theo Chúa Kitô đóng một vai trò quan trọng của việc làm chứng cho Thiên Chúa trong xã hội. Con người tu sĩ ngày nay, sau khi đã lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, họ ra đi và dấn thân hoàn toàn cho Thiên Chúa, sự dấn thân hoàn toàn đó nhằm nói lên việc Thiên Chúa vẫn còn tồn tại trong xã hội, và người tu sĩ sẽ sống hết cuộc đời cho Thiên Chúa. Bằng cuộc sống của mình, tu sĩ làm chứng cho một triều đại của Thiên Chúa đang hiển trị và qua cuộc sống đó, mọi đều người nhận thấy được giá trị thiêng liêng của mình và tin rằng Thiên Chúa đã đến với nhân loại và sẽ đến trong ngày quang lâm để phán xét mọi người về những việc làm của họ khi còn sống trên trần gian. Cuộc sống dấn thân của tu sĩ nói lên cho mọi người biết về một vị Thiên Chúa đầy yêu thương và qua cuộc sống đó đã nói lên tính ngôn sứ của đời tu. Bằng cuộc sống của mình, người tu sĩ đã làm chứng cho Thiên Chúa một cách triệt để nhất. Đời sống dấn thân của người tu sĩ nói lên tính ngôn sứ. Vậy, ngôn sứ là gì? Và ngôn sứ của đời tu là như thế nào ?

Ngôn sứ là những người được “ Chúa chọn ” ban cho những đoàn sủng đặc biệt : đã gặp Giavê và được ngài đích thân chiếm lấy. Họ là người “trực tiếp chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa”, được người soi sáng, nhưng không đóng vai trò “thầy bói” để nói trước tương lai. Sứ mạng của họ là làm ngôn sứ nói thay cho Thiên chúa. Họ không có ý kiến riêng mà là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Ngôn sứ còn là người của thời đại mình và là người được Chúa sai đến. Sống giữa dân chúng, chú ý tới các mặt thuộc đời sống của dân, biết rõ sự áp bức, bất công. Trong lịch sử Israel, các ngôn sứ đóng một vai trò khá đặc biệt. Nếu Apraham là người thừa hưởng “lời hứa” thì từ đó mở ra lịch sử dân Chúa; nếu Môisê, nhà lập pháp, người đã cho “dân chọn” thì ngôn sứ là người thanh tẩy và là cho sứ điệp của Thiên Chúa trên dân được sạch khỏi mọi bợn nhơ thế tục. Theo Alfred lappe, các ngôn sứ là người đi sửa chữa những cái hư hỏng dân chúng phải chịu do các chính trị gia thời đó gây ra và có trách nhiệm bảo vệ thánh danh và vinh dự của Thiên Chúa. Vậy họ là ai? Họ là những người được Chúa chọn trong số con cái Israel, thuộc mọi hạng người, làm đủ mọi ngành nghề trong xã hội: Samuel, thuộc dòng Lêvi; Amos, người chăn cừu; Isaia, nhà quý tộc Giêrusalem; Giêrêmia, Êđêkien, dòng tộc tư tế...

Như vậy, điểm chung nhất trong ơn gọi của các ngôn sứ là họ được Chúa đích thân chọn và gọi, đến độ như Giêrêmia: “Ngài biết tôi ngay khi tôi còn trong lòng mẹ và gọi tôi làm ngôn sứ của Ngài” (Gr 1,5) Việc Thiên Chúa gọi là một ân huệ trao ban nhưng không khiến cho ngôn sứ không thể cưỡng lại được. Họ chỉ còn cách đáp lại và lên đường làm nghĩa vụ: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Tuy nhiên, để sứ vụ “nói thay” Thiên Chúa nên trọn, ngôn sứ phải chấp nhân một “cuộc sống chứng tá” và chấp nhận để Lời Chúa “chạm đến mình”. Họ phải sống sao để chính đời họ lên lời của Chúa cho thế gian, dù cho nhiều sứ mạng Chúa giao làm cho họ đau khổ, bị đòng bào xa lánh, bị bà con ức hiếp. Vì sứ mạng, họ phải chấp nhận chịu mọi đau khổ về thể xác và tinh thần.

Chúa Kitô, đấng mà Isaia loan báo từ ngàn xưa trong Cựu Ước đã đến với nhân loại thực sự trong đêm giáng sinh tại Bê Lem. Là ngôi lời nhập thể, Người đã hiện toàn con người yếu đuối của nhân loại. Dưới tác động của Thần Khí, Đức Kitô nghiệm thấu được mối tương quan giữa Ngài và chúng ta: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô. Chính ngài là ngôn sứ vĩ đại nhất mà Isaia đã loan báo, được thiên Chúa sai đến để thực thi sứ vụ “công bô năm hồng ân của Thiên Chúa” cho chính nhân loại, là đối tượng trung tâm của công trình cứu độ. Sứ mạng của Đức Kitô là đem lại ơn cứu độ đến cho những “kẻ nghèo hèn”, tù đày, áp bức,bệnh tật… Ngài quan tâm đến những khổ đau của họ.Tin Mừng mà Ngài rao giảng cho muôn dân là Tin Mừng sự sống, nhờ cuộc phục sinh vinh hiển sau cái chết nhục nhã, đau thương của Ngài. Cái chết nhục nhã đó là hình ảnh của một ngôn sứ bị bách hại vì sự thật và công lý.
Nhệm vụ của ngôn sứ xem ra rất cao cả và vĩ đại, là người phát ngôn nhân danh Thiên Chúa và truyền đạt mệnh lệnh của Ngài cho dân chúng. Thế nhưng, những công việc mà Thiên Chúa trao cho các ngôn sứ thì vô cùng nguy hiểm và chẳng dễ dàng một chút nào cả. Tuy nhiên, với lời mời gọi làm ngôn sứ của Thiên Chúa, đời tu đã đáp lại một cách dứt khoát. Các ngôn sứ đều có chung một số phận là bị bách hại, bị phản bội vậy thì tại sao các Ngài lại chấp nhận như vậy? Vì các Ngài cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc khi sống trong vai trò của mình. Vì sự thật, các Ngài dám làm tất cả. Đây cũng là lý do ngày hôm nay đời tu được mời gọi trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa để ra đi làm chứng cho sự thật .

Đời tu được mời gọi trở nên dấu chỉ ngôn sứ và làm chứng về Thiên Chúa và giá trị của Tin Mừng. Lời mời gọi này được cụ thể hóa về tình yêu đối với Chúa Giêsu và Tin Mừng. Bản chất của tính ngôn sứ của đời tu là sự bị loại trừ đối với thế giới, nhưng tu sĩ không rời bỏ thế giới mà đi vào xã hội. Nơi đó, tu sĩ kêu lên tiếng than về sự bất công của xã hội, khơi dậy kí ức về chương trình của Thiên Chúa, về tạo vật và về Giáo Hội, và thắp lên hy vọng xây dựng nước Thiên Chúa. Tính ngôn sứ của đời tu bắt đầu từ một ơn gọi của Thiên Chúa để người tu sĩ biết chấp nhận thân phận ngôn sứ của mình qua cuộc sống thánh hiến bằng việc tuân giữ các lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.

Một ơn gọi:
Vai trò ngôn sứ bắt đầu từ một niềm tin. Nếu chỉ đóng khung tầm nhìn trong những giới hạn trần gian, không thể chấp nhận được sứ mệnh ngôn sứ. Thực vậy, đời tu là người đại diện Chúa nói cho dân biết về những mạc khải của Người. Nếu không tin nơi Chúa, không thể đón nhận những lời ngôn sứ. Nhưng nếu tin Chúa sẽ thấy ơn gọi ngôn sứ vượt qua mọi tính toán trần gian. Ơn gọi làm ngôn sứ hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa. Bởi đó, tu sĩ không thể nói theo kiểu trần gian, nhưng phải theo ý Thiên Chúa. Ý Thiên Chúa luôn là sự thật. Sự thật mất lòng. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Quê hương là hình ảnh thân thương, nhưng quê hương cũng có thể giới hạn trong tầm nhìn con người. Đây cũng là một cơ hội tốt hay xấu cho ngôn sứ, có những người đã run sợ trước những trở ngại từ chính đồng hương. Trước những đe doạ, tù đày, giết chóc, nhiều người đã không dám nói sự thật. Nhưng cũng không thiếu những người vững tin vào ơn gọi và sứ mệnh. Họ dám gánh đổi mạng sống lấy sự thật. Tận thâm tâm, họ luôn lắng nghe tiếng Chúa: “hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt dân chúng, người đừng run sợ” (Gr 1,17). Chỉ với niềm tin mói có thể thấy được tất cả chiều kích lớn lao của sứ điệp Thiên Chúa. Niềm tin sẽ mỡ rộng nhãn quan và làm nền tảng đức ái, khiến con người có thể “vui khi thấy điều chân thật”(1Cr 13,6) phát xuất từ miệng Thiên Chúa.

Một thân phận:
Sứ mệnh và số mệnh đời tu luôn gắn liền với Lời Chúa. Lời Chúa luôn chất vấn và xoáy sâu vào lòng người. Theo bước chân Chúa Giêsu, rất nhiều người đã đi đến tận cùng trái đất để làm chứng cho Thiên Chúa và thậm chí là bỏ mạng vì Lời Chúa. Dù sống trong bao hiểm nguy, Giáo Hội không bao giờ lùi bước trước vai trò ngôn sứ. Nếu những miền đất đó đón nhận ngôn sứ, chắc chắn hoà bình đã ngự trị vì Lời ngôn sứ sẽ là sức mạnh nối kết con người với Thiên Chúa và với nhau.
Tu sĩ sống các lời khấn trong cộng đoàn tạo nên một thế giới khác trong lòng thế giới hiện đại. Họ không chỉ cố gắng sống khác biệt trong thế giới nhưng xây dựng một thế giới khác tạo nên chứng tá cho nước Thiên Chúa. Tuyên khấn là sự dấn thân cho thế giới. Sống các lời khấn không chỉ tạo nên một lối sống khác trong thế giới nhưng kiến tạo một thế giới khác.

Lời khấn khiết tịnh:
Sống khiết tịnh là việc thể hiện theo Chúa Giêsu vì Nước Trời. sống độc thân vì Nước Trời. Sự trống vắng tình cảm cho phép đời tu yêu thương nhiều người đặc biệt là người nghèo, bị bỏ rơi và bị loại trừ. Khiết tịnh của đời tu là loan báo tính ngôn sứ về nước Thiên Chúa ban ân sủng cho loài người. Trước khi là một quyết định của con người, độc thân là một quà tặng của Thiên Chúa xác định vị trí của tu sĩ trong Giáo Hội. Do đó, đây cũng là một ơn gọi. Chính Chúa Giêsu, Đấng đã gọi con người sống hình thức này và ban ơn để con người đi theo Ngài trong cách sống này. Sống sự sống độc thân theo Tin Mừng trong Giáo Hội biểu lộ tỏ tường sực mạnh vô song của ơn Chúa và sự hiện diện của nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Đức trinh khiết theo Tin Mừng là một lời khuyên theo tính cách tích cực. Đó là một bậc sống có mục đích kết hiệp chúng ta với Chúa Giêsu và đưa chúng ta tới việc yêu mến và thờ phượng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Bổn phận của đời tu là tạo cho mình có một kỷ luật sống, quy hướng mọi khả năng tình cảm, ý chí và tình yêu Thiên Chúa vào việc phục vụ tha nhân. Tu sĩ cố gắng vươn mình lên khỏi những khuynh hướng hưởng dục về phần sinh lý trong con người ( những khuynh hướng này chỉ được phép thoa mản trong đời sống hôn nhân ). Vì vậy, đời tu phải biết trông cậy vào ơn Chúa và sống tình bác ái huynh đệ.



Lời khấn khó nghèo:
Đời tu ngày nay đang gặp nhiều thử thách do sự bén nhạy của con người trước những cảnh nghèo do tình trạng nghèo khổ gia tăng khủng khiếp. Bên cạnh đó còn có thách đố đến “ từ chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối, cũng chẳng quan tâm đến những việc làm quân bình những tài nguyên thiên nhiên”1. Đứng trước những thách thức này, đời tu phải tìm về nguồn xuất phát lại từ Đức Kitô, là một con người hoàn toàn sống cuộc đời nghèo khó; Người sinh ra tại Bê Lem, làm một nghề khiêm tốn, sống một đời túng thiếu trong nhà Nadareth… Và cái nghèo của Chúa Giêsu được biểu lộ rõ nét nhất là cây thập giá. Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã nói: “ Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” ( Pl 2,6 ), và “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em”( 2Cr 8,9 ). Vì vậy, đời tu được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẽ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ với nét nỗi bật là đơn sơ và hiếu khách, cũng như làm gương cho những dửng dưng với nhu cầu của tha nhân. Chứng tá đó đương nhiên đi kèm theo một mối tình dành ưu tiên cho người nghèo, và tỏ ra một cách đặc biệt trong cách chia sẻ điều kiện sống với những cùng khốn nhất. Đời tu hôm nay đang sống trong nền “ kinh tế quà tặng ” qua lời khấn khó nghèo. Cộng đoàn tu sĩ nuôi dưỡng quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa được diễn tả sự lệ thuộc qua sự quan phòng của Ngài. Hơn nữa, kinh tế quà tặng làm cho cộng đoàn có khả năng quảng đại đi đến với những người nghèo. Tu sĩ chọn lựa người nghèo không phải vì không muốn họ trở nên giàu có nhưng muốn thể hiện lòng nhân từ cua Thiên Chúa. Tu sĩ nhận thức rằng người nghèo về vật chất, tinh thần và thiêng liêng không chỉ là những người ăn xin mà là anh chị em của chính mình.
Trong bối cảnh như thế, sống chính trực với nền kinh tế quà tặng là một loan báo tính ngôn sứ về niềm hy vọng là chúng ta có thể loại bỏ sự nghèo đói trong thế hệ của chúng ta.

Lời khấn vâng phục:
Khi nói tới vâng phục là nói tới quyền bính và tới đời sống cộng đoàn. Thời xưa, vâng phục được hiểu như sự vâng phục mù quáng. Ngày xưa chỉ có bề trên là người ra lệnh, còn bề dưới phải tuân hành, dù cho sự tuân hành ấy đôi khi dẫn đến sự lệch lạc. Ngày xưa, những quyết định của bề trên phải được coi là ý Chúa. Vậy đức tuân phục thực chất là gì?
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối, đây là khuôn mẫu của sự vâng phục nơi người tín hữu và gắn kết đời sống vâng phục trong lòng mến. Tuyên khấn vâng phục, người tu sĩ trước hết phải luôn lắng nghe tiêng Chúa, tìm kiếm ý định của Ngài trong thế giới. Cộng đoàn tu sĩ không chỉ là lắng nghe mà còn là đang tìm kiếm. Các tu sĩ sống lời khấn vâng phục trong cộng đoàn là những người ngang hàng, tự do chọn lựa đến với nhau không phải để sống đời sống hôn nhân để làm kinh tế nhưng vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Đời tu mời gọi mọi người phục vụ lẫn nhau bằng cách bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh mạng sống cho chúng ta và trong bữa tiệc ly Người đã để lại di chúc “anh em hãy làm việc này mà nhứ đên thầy”(Lc 22,9). Sống lời khấn vâng phục triệt để trong cộng đoàn là một chứng tá ngôn sứ về nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, để sống vâng phục trong thế giới hôm nay quả là một thách đố đối với những ai sống đời tận hiến. Vì lạm dụng tự do, con người không thể phân biệt được đâu là ý Thiên Chúa. Họ đề cao tự do, coi tự do như là một quyền được làm bất cứ điều gì, miễn sao được sự thỏa thích, kể cả điều xấu. Thách đố đó còn được thể hiện qua việc hiện tượng số tu sĩ giảm sút trong các hội dòng, sự giảm sút về đức tin, sự tầm thường hóa đới sống đức tin. Đứng trước những thách đố này, đời tu được mời gọi hoán cải không ngừng để chiều kích ngôn sứ mang lấy một sinh lực mới. Do đó, qua việc sống vâng phục, tu sĩ chứng minh cho nhân loại thấy rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau, nhưng là con đường để chinh phục sự tự do chân chính.

Tính ngôn sứ của đời tu là một thách đố lớn đối với con người. Tuy nhiên, được Thiên Chúa mời gọi, tu sĩ sẳn sàng ra đi để chống lại những cản trở chống lại nước Thiên Chúa, chống lại những lầm lạc chính yếu liên quan đến sở hữu, tình cảm và quyền lực. Đời tu được mời gọi hội nhập chiều kích Tin Mừng và cuộc đấu tranh biến đổi xã hội bằng chính cuộc sống của mình. Để nhờ đó, con người ý thức được vai trò của mình là trở về với Thiên Chúa. Và qua đời sống của tu sĩ, mọi người ý thức được nước Thiên Chúa, thấy được việc hiến tế cứu độ của Chúa Giêsu xả thân vì phần phúc của con người và những chiều kích sâu thẳm của mầu nhiệm nước Thiên Chúa.

1 nhận xét:

  1. Sống các lời khấn không chỉ tạo nên một lối sống khác trong thế giới nhưng kiến tạo một thế giới khác.

    Trả lờiXóa