Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

TÂM TÌNH


Ngày nay, con người đang sống trong một thế giới đầy biến động, nạn khủng bố, chiến tranh hay là các hiểm họa của thiên tai lũ lụt không ngừng xảy ra. Đứng trước bối cảnh đó, có lẽ vẫn không có ít người kêu than hay trách móc Thiên Chúa. Xét về tự nhiên, điều này không hẳn là không đúng nhưng nếu chúng ta biết dừng lại để nhìn nhận sự việc và cảm nhận được ‘tiếng kêu’ của Thiên Chúa thì có lẽ đây là một cơ hội tốt để trở về với Ngài. Vì vậy, cần phải dành thời gian cho việc hồi tâm lại các biến cố của cuộc đời của mình, lắng đọng tâm hồn và kêu lên Thiên Chúa để Ngài chữa trị sự mù quáng của mình và luôn trung thành với Thiên Chúa lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ và ra đi loan báo tin mừng của Chúa cho mọi người.
   1. Tiếng kêu của Thiên Chúa và tiếng kêu của con người.
Trong cuộc sống, khi con người đối diện với những khó khăn, thử thách hay đứng trước cảnh cùng cực nhất của cuộc đời như : nghèo đói, đau khổ, chiến tranh hay là thiên tai, họ thường kêu lên Thượng Đế  để giúp họ thoát khỏi những khó khăn cùng cực đó. Đối với Kitô hữu chúng ta, có những lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình chán chường, thất vọng, có những con người không biết kêu cầu ai cả, cũng có những con người biết trông cậy vào Đấng mà mình tôn thờ, chúng ta biết kêu lên Thiên Chúa trước những khó khăn, những nỗi thất vọng của chúng ta. Đối với đời tu, chúng ta cần biết kêu lên Thiên Chúa nhiều hơn nữa để Ngài có thể chữa lành những căn bệnh nội tâm của chúng ta, những thói hư tật xấu mà chúng ta thường mắc phải, những lúc cô đơn chán chường, chúng ta cần tìm đến chúa như có lời đã chép trong Thánh Vịnh: “Tôi cất lời kêu lên cùng chúa, lời tôi kêu chúa, xin người lắng nghe” ( Tv 76 ). Lời kêu cầu của chúng ta lên Thiên Chúa giúp chúng ta biết trông cậy và phó thác vào ơn Chúa, ý thức về thận phận yếu hèn của mình. Thiên Chúa luôn biết chúng ta cần gì, chúng ta kêu gì và ngài luôn đáp trả tiếng kêu đó. Từ trong con tim, chúng ta sẽ nghe được tiếng lương tâm mách bảo về những việc của ta làm. Nếu chúng ta biết lắng nghe thì chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa và Lời Chúa sẽ chữa lành chúng ta. Vậy, chúng ta nghe tiếng Chúa ở đâu và nghe như thế nào?
Đời tu, đời bước theo chúa kitô hằng ngày giúp chúng ta không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa. Qua đời sống học tập, cầu nguyện… chúng ta được nghe tiếng Chúa qua nhiều hình thức khác nhau: Trong phụng vụ, chúng ta được nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh; trong học tập, chúng ta nhận ra tiếng Chúa qua những người giảng dạy. Lời Chúa là lời của chân lý và sự sống, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi bất kỳ người nào biết kêu cầu Ngài. Hình ảnh hai người mù Giêrikhô trong Tin Mừng Matthêu là một hình ảnh minh họa: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” ( Mt 20,30 ). Chắc chắn Chúa Giêsu biết người mù muốn cầu xin cái gì nhưng mà Ngài lại muốn người mù đó nói lên nguyện vọng của mình: “Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy được” ( Mt 20,33 ). Tiếng cầu xin đó đã làm Chúa Giêsu cảm động và chạnh lòng thương. Tiếng kêu của người mù Giêrikhô sẽ còn vang vọng mãi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, là những con người “mù”, lạy con vua Đavít xin thương xót chúng tôi. Mỗi người chúng ta có thể mù về đức tin, mù về chân lý hay mù về những cái bất công trong xã hội, về những người nghèo, những người đau khổ… Mỗi người chúng ta là những con người mang đầy thương tích của tội lỗi nhưng có lúc chúng ta không thấy những vết thương đó, chúng ta thường chỉ thấy cái rác trong con mắt người khác mà cái xà trong con mắt mình thì lại không thấy. Chúa Giêsu, Đấng đã đến thế gian để cứu độ loài người đã dạy chúng ta cần phải biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả lại tiếng của Ngài qua những người đau khổ. Chúng ta là những người được Chúa chữa lành nên chúng ta cũng phải có bổn phận đem ơn chữa lành đó cho những người đau khổ khác.
   2. Chúa Giêsu biến đổi hình dạng
Khi sống ở trần gian, Chúa Giêsu đã mang lấy bản tính xác phàm chỉ trừ tội lỗi. Ngài ra đi, đi đến với những người tội lỗi, những người gặp bất công trong cuộc sống. Ngài vâng lời Thiên Chúa Cha đến nỗi chấp nhận cái chết nhục nhằn đau thương trên thập giá. Thiên Chúa Cha đã sai Người đi và Người đã vâng lời. Hôm nay, Người cũng quy tụ chúng ta lại để bảo ban, dạy dỗ và sai chúng ta ra đi theo Người. Người đến với chúng ta với một tâm hồn tự khiêm tự hạ, người đến với chúng ta như một người bơ vơ không chỗ gối đầu. Tuy nhiên, để cũng cố đức tin của chúng ta người đã biến đổi hinh dạng trước mắt chúng ta ở trên núi Tabo ( Mc 9, 2-10 ) mà ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan là những người dại diện chúng ta được vinh phúc chiêm ngưỡng vinh quang đó. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, Ngài không ngần ngại chia sẽ quyền năng đó cho con người. Tuy nhiên, điều Thiên Chúa muốn không phải chúng ta ở lại với vinh quang đó mà phải ra đi để đưa vinh quang đó đến cho tất cả mọi người. Gương mặt đích thực của Thiên Chúa là gương mặt bị treo trên thập giá để ban phát tình yêu cho nhân loại. Thế nên, con đường theo Chúa là con đường chấp nhận đi đến cây thánh giá, chấp nhận mở lòng mình ra để Thiên Chúa biến đổi và trở nên những con người trung thành với Thiên Chúa lúc vui sướng cũng như lúc đau khổ. Kinh nghiệm biến biến hình là một kinh nghiệm mang đầy sự sống. Để có được kinh nghiệm đó, mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải biết hòa mình vào đời sống cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa hằng ngày, cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong đời sống cầu nguyện để qua đó, chúng ta được biến đổi về mọi phương diện để ra đi làm chứng cho Chúa Kitô.
   3. Maria madalena – người phụ nữ theo chúa đến cùng
Maria Madalena, người phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu đến cùng, đỉnh điểm là cây thập giá đã để lại cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trong việc bước theo Chúa Kitô. Chúng ta biết, vào thời Chúa Giêsu, người phụ nữ không được mọi người coi trọng. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài tỏ ra rất yêu thương Maria Madalena. Theo tin mừng, Maria Madalena là một người được Chúa Giêsu yêu mến và trừ bảy quỷ, ngài là người đầu tiên được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau cái chết của Chúa Giêsu, Maria Madalena đã trở thành gia đình mới của Thiên Chúa ( Ga 19,25-27 ). Maria Madalena là một người đặc biệt được ưu tiên về cái chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tình yêu bừng cháy trong trái tim người phụ nữ đã không rời mồ Chúa, mặc dù các Tông Đồ đã bỏ trốn tất cả. Ngài vẫn liên lỉ tìm kiếm Đấng mà ngài trước kia đã không tìm được. Ngài tìm kiếm trong nước mắt và bừng cháy trong ngọn lửa tình yêu, ngài khao khát được thấy Đấng ngài tưởng người ta đã mang đi khỏi. Vì ở lại với hy vọng tìm được Chúa, nên Maria Mađalêna đã là người duy nhất gặp được Người. Lòng kiên trung đã củng cố những việc lành và đúng như lời Chân Lý đã cho chúng ta biết: “Ai trung thành đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ”  ( Mt 16,21 ).  Chúng ta đừng bỏ dở cuộc tìm kiếm Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh cuộc sống; ngay cả trong những giờ phút chán nản hoặc tăm tối thâm nhập linh hồn chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa rất gần bên chúng ta trong những biến cố cuộc sống, mặc dù chúng ta không nhận ra Người.
Thế giới ngày nay, có những tiếng ồn ào đã làm mất cương vị của mình là con cái Thiên Chúa, nếu chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa Giêsu thì chúng ta cũng được thông phần và gia đình mới của Ngài. Gia đình mới này chỉ tồn tại khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Vậy, làm cách nào để chúng ta biết nhận ra tiếng chúa và gặp được Thiên Chúa? Khi chúng ta kết thúc cuộc đời này, chúng ta sẽ được gặp Chúa và sẽ trình diện với Ngài những điều chúng ta làm khi còn sống; Ngoài ra, người Kitô hữu có thể gặp được Chúa ngay trên cõi đời này qua việc cầu nguyện. Được gặp Chúa là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người. Maria Madalena xưa đã được ân huệ đó. Khi Chúa Phục Sinh đến gặp ngài, ngài cảm nhận được rằng ngài được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ, được Chúa chọn và được Chúa sai đến với các tông đồ để loan báo tin mừng phục sinh. Ngài xác tín rằng: Không những ngài được ơn Chúa yêu thương, mà ngài còn được ơn biết yêu mến Chúa và yêu thương người khác. Maria Madalena đã được gặp Chúa Phục Sinh và đón nhận ơn Phục Sinh không phải một cách miễn cưỡng. Vì vậy, chúng ta cần phải cảm nhận được ơn Phục Sinh của Chúa trên mỗi người chúng ta. khiêm nhường để nhận ra sự yếu hèn của bản thân mình, khiêm nhường vâng phục thánh ý thiên chúa và khiêm nhường sám hối.
Trong cuộc sống, tất cả mọi việc đều có thể xảy đến với mình: vui buồn, khó khăn hay thành công. Trước những sự việc đó, chúng ta cần biết dừng lại và suy nghĩ trước khi đối diện vớí nó. Điều tuyệt diệu hơn nữa là chúng ta biết phó thác mọi sự trong bàn tay của Thiên Chúa, lắng đọng tâm hồn để lắng nghe tiếng của Ngài và dâng lên Ngài những ‘tiếng kêu’ của mình. Nhờ đó, Thiên Chúa sẽ biến đổi con người chúng ta, Ngài sẽ tỏ vinh quang của Ngài cho chúng ta và chúng ta cũng được mời gọi đem vinh quang đó đến với tất cả mọi người.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

ĐỨC MARIA – CON NGƯỜI CỦA SỰ CẦU NGUYỆN


Trong xã hội hiện nay, một xã hội mà đất nước phát triển nhanh chóng về mọi mặt, con người đang chạy đua theo thời gian, tiền tài, danh vọng, đời sống tâm linh của họ bị loại khỏi cuộc sống. Nên việc cầu nguyện không được nhiều người chú trọng. Đối với đời tu, việc cầu nguyện như là một món ăn hằng ngày không thể thiếu được và món ăn đó sẽ đưa con người đạt tới sự sống đích thực của mình là sự sống đời sau. Trong lịch sử Giáo Hội, các vị thánh luôn có một đời sống cầu nguyện, luôn kết hiếp mật thiết với Thiên Chúa trong mọi sự như: thánh Antôn, Biển Đức, Têrêxa Avila… Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhắc tới một vị thánh mẫu mực của đời sống cầu nguyện, đó là Mẹ Maria. Mẹ là tấm gương cầu nguyện cho các vị thánh và toàn thể nhân loại noi theo. Mẹ là con người của cầu nguyện, vâng phục và chiêm niệm. Mẹ chấp nhận thương đau vì Thiên Chúa và Mẹ luôn mời gọi toàn thể nhân loại “ hãy cầu nguyện không ngừng”.

1.     Đức Maria – con người sống đẹp lòng Thiên Chúa
Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Chúa Giêsu và là mẹ nhân loại. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban cho mẹ nhiều đặc ân mà trên trần thế không ai được như Mẹ. Mẹ được ơn trinh thai, một ân huệ đặc biệt chỉ mình mẹ mới có. Thiên Chúa còn cho mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội nghĩa là Thiên Chúa đã gìn giữ linh hồn Đức Mẹ không vướng phải vết nhơ tội nguyên tổ. Và sau khi mẹ qua đời, Thiên Chúa lại đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời.
Ađam và Evà đã phản nghịch cùng Chúa : hai ông bà đã ăn trái cấm , nghịch lại lệnh của Chúa. Quả thực, trái cây mà hai ông bà tổ tiên đã ăn chẳng đáng gì, nhưng sở dĩ hai ông bà nguyên tổ bị Chúa giáng phạt vì họ đã không vâng lời Chúa. Đây là tội phản bội. Tội này đã mang sự chết vào trần gian và tội tổ tông đã truyền cho con cái qua muôn thế hệ. Tuy nhiên, chỉ riêng mình Mẹ Maria, vì được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ cách riêng không mắc tội tổ tông truyền. Vì vậy, không một giây phút nào trong cuộc đời của Mẹ phải lệ thuộc ma quỷ, lệ thuộc tà thần hung ác. Đức Mẹ ngay từ lúc mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, linh hồn Đức Mẹ đã được tràn đầy thánh sủng, và các nhân đức siêu nhiên, đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần. Cho nên, khi thiên thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Mẹ, thiên thần đã cất tiếng: “kính chào Đức trinh nữ đầy ơn phước” (Lc 1,28 ). Đức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội vì Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ là Mẹ Đấng cứu chuộc, nên mẹ phải trong trắng vẹn tuyền, không vương tì ố của tội nguyên tổ và tội riêng mình làm. Đây là nét đẹp tuyệt vời của nữ tử Sion có tên là Maria. Một tên gọi dịu dàng, nhưng mang ý nghĩa cao vời. Tên Maria gói trọn tất cả. Trong tên gọi của Người đã gồm tóm cả nhân loại và đem lại cho từng người, cho nhân loại, cho lịch sử cứu độ niềm hạnh phúc vô biên. Hạnh phúc chỉ có thể có nơi thập giá sau này của Con Mẹ sẽ sinh ra cho trần gian. Mẹ Maria đã sống trọn nét đẹp sâu xa nhất Thiên Chúa dành để cho Mẹ.

2.     Đức Maria – con người chấp nhận thử thách vì đức tin
Trong suốt cuộc đời của mình trên trần thế, Đức Mẹ luôn tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, luôn nhìn thấy mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình dưới ánh sang đức tin. Mặc dầu tổng lãnh thiên thần Gabrien được Thiên Chúa truyền phải làm tất cả mọi sự để cho Đức Mẹ dễ tin: nào là thái độ hết sức cung kính, thánh thiện và nghiêm trang từ một thiên sứ từ trời được sai đến; nào là nói đúng theo lời các tiên tri từ xưa đã loan báo về Đấng Cứu Thế; nào là trưng ra phép lạ của người chị họ Isave già cả, son sẻ mà vẫn sinh con; nhưng Đức Mẹ, với lòng khiêm nhượng thẳm sâu, vẫn nhận thấy có điều thật khó tin vì một người phàm trần như Mẹ, thì làm sao được trở nên mẹ của Con Thiên Chúa được? Một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối như Mẹ, thì làm sao thụ thai được? Những điều này không thể thực hiện theo sức loài người được. Dầu vậy, khi thiên sứ quả quyết rằng không có gì mà Thiên Chúa toàn năng không làm được, thì Đức Mẹ nhắm mắt tin vào Lời Chúa với tất cả mọi điều mạo hiểm, mọi sự nguy biến, mọi nỗi đau khổ đau khổ hồn sxác sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Vì thế, sau hai tiếng vắn gọn “Xin Vâng”, Đức Mẹ quyết sống trọn vẹn đức tin của mình: đức tin đó không bị lay chuyển khi bị thánh Giuse hiểu lầm, khi bị bất hủi tại Bêlem, khi phải sinh con trong hang đá thô hèn, khi đứng lặng trên núi sọ dưới chân cây thập giá treo xác con mình. Khi sinh con Thiên Chúa, Đức Mẹ không thấy bên ngoài có gì để tin đó là con Thiên Chúa cao sang vô cùng: một trẻ thơ yếu hèn run lên vì lạnh, khóc lên vì yếu.

 Khi thấy con mình chết trên hai miếng gỗ lạnh lùng, bị người ta chê cười chế nhạo, bị môn đệ chạy trốn, bỏ rơi, không có gì là quyền năng của một vị Thiên Chúa. Dù không thấy gì bề ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là con thật của Thiên Chúa quyền năng vô cùng; dù biết mình được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ vãn không hiểu được Lời Chúa một cách đầy đủ, nên Đức Mẹ ngày đêm suy niệm Lời Chúa, ấp ủ Lời Chúa trong lòng, luôn cầu xin cho được hểu Lời Chúa mà đem ra thực hành trong cuộc sống. Vì thế, đời sống nội tâm của Đức Mẹ rất sâu xa và mãnh liệt; dù biết con mình là con Thiên Chúa toàn năng như lời quả quyết của thiên sứ Gabrien, nhưng Đức Mẹ chỉ thấy cảnh thất bại của con mình: thất bại khi sinh ra phải chạy trốn, thất bại khi lớn khôn ở Nadaret phải đổ mồ hôi trong vai người thợ mộc nhọc nhằn, thất bại khi rao giảng Tin Mừng bị mọi người cuối cùng tìm cách xa lánh và bắt giết, thất bại khi chết trên hai miếng gỗ trơ trọi giữa trời và đất. Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn thờ lạy con Thiên Chúa trong hang đá Bêlem, vẫn tin con Thiên Chúa trong vai người thợ mộc khó nghèo, vẫn tin con Thiên Chúa trong cái thân xác khốn khổ bị treo trên thập giá.

3.     Đức Maria – con người của sự vâng phục
Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ). Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công , cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Trái lại, Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ mà thành công. Hai tiếng “Xin vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, nhưng ảnh hương tới cả cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin vâng” với thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn sang Ai cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cũng chết với con vậy. Như thế, để nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiêng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

 4.     Đức Maria – con người của sự hiệp thông
          Kinh Thánh tuy không nói nhiều đến Đức Mẹ nhưng Mẹ là người duy nhất được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ của Thiên Chúa. Chính nhờ đời sống cầu nguyện của Mẹ đã khiến cho Thiên Chúa phải đoái nhìn. Cùng với nhân loại, Mẹ luôn trông chờ Thiên Chúa ngự đến và hằng hiệp thông với Thiên Chúa trong ân sủng, trong chức vụ làm Mẹ con Thiên Chúa và mẫu gương hiệp thông với tha nhân.
          “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”               ( Lc 1,28 ). Sứ thần Gabriel gọi Đức Trinh Nữ Maria là “Đấng Đầy Ân Sủng”, tên riêng này cho thấy Đức Maria hoàn toàn đặc sủng với Thiên Chúa, được Thiên Chúa sủng ái. Đây là đặc ân hoàn toàn do Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không. Chính trong ân sủng ấy, mà trong hành trình trần gian mẹ luôn lắng nghe và suy niệm trong lòng thánh ý Chúa đối với Mẹ, Mẹ không khước từ một sự cộng tác nào với Thiên Chúa để cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Mẹ tự hủy và từ bỏ mọi ý định của riêng mình để Xin Vâng cho trọn thánh ý. Và với sự hiệp thông trong ân sủng đó, mà Mẹ làm cho mọi vật nơi trần gian vui sướng được phục hồi và mọi vật trong âm phủ vui mừng được giải thoát để hiệp thông cùng Thiên Chúa; và từ quả phúc bởi lòng Mẹ, người con từ lòng trinh khiết rạng ngời của Mẹ sinh ra, mọi linh hồn công chính được hớn hở vui mừng, các thiên thần hân hoan, và mọi người thế cùng tạo vật trên trần gian được phục hồi sự hiệp thông với Thiên Chúa trong chức vị làm con.
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao” ( Lc 1,31 ). Ân huệ cao cả nhất mà Thiên Chúa ban cho Mẹ là được sinh ra Người Con độc nhất sinh bởi Đức Chúa Cha, là con Thiên Chúa, để Người Con ấy thực sự vừa là Con Thiên Chúa vừa là con của Đức Mẹ. Cả cuộc đời Đức Maria, từ lúc sinh ra cho đến lúc về trời, Mẹ xả thân không hề tiếc xót một chút gì để chu toàn một sứ vụ độc nhất: sứ vụ làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là lẽ sống duy nhất của Mẹ. Cả thân xác và sức lực, linh hồn và trí tuệ, Đức Maria đã tham gia vào lý tưởng ấy một cách triệt để. Đó là lý do tại sao Mẹ luôn trinh khiết mọi nơi, sống trong và theo ân sủng ở mọi hoàn cảnh cuộc sống. thái độ ấy bắt nguồn từ chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa và chức vụ này là kết quả của một sự hiệp thông với Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và lòng mến.
          “Bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi ba Êlisabet ( Lc 1,39 ). Nơi Mẹ Maria, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nội lực thúc đẩy Mẹ hiệp thông với tha nhân. Bởi khi lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ không giữ riêng cho mình, trái lại Mẹ trao ban, chia sẻ cho người khác đẻ ân sủng của

Thiên Chúa được triển nở và gia tăng nơi mọi người. Khi cưu mang con Thiên Chúa, “Tin Mừng toàn dân cho nhân loại”, niềm vui ấy Mẹ không thể giữ riêng một mình, nhưng cần được loan báo. Thánh Luca dùng những động từ “vội vã lên đường”, “vào nhà”,”chào hỏi” diên tả một thiếu nữ tràn đầy niềm vui có Chúa ở cùng, đầy tràn ân sủng đang tuôn trào ra để mang Chúa đến cho đời, mang niềm vui và hạnh phúc được Thiên Chúa viếng thăm đến cho con người.


Cuộc đời của Mẹ Maria đã để lại cho Giáo Hội có một cái nhìn mới về đời sống cầu nguyện. Sau khi về trời, Mẹ không ngừng kêu gọi mọi người “hãy cầu nguyện không ngừng”và tin vào Thiên Chúa. Đặc biệt, đối với đời tu, Mẹ không ngừng kêu gọi các tu sĩ phải biết noi gương Mẹ đáp trả tiếng “Xin Vâng” mà Thiên Chúa đã mời gọi. Việc đáp trả đó thể hiện qua đời sống hằng ngày của tu sĩ, chấp nhận mọi thương đau, thử thách của đức tin và hằng vâng phục Thiên Chúa tuyệt đối. Vì vậy, đời tu được mời gọi trở nên như Mẹ, là cánh tay của Thiên Chúa để không ngừng cộng tác vời Ngài trong việc cứu độ nhân loại, biết hạ thấp mình xuống để Thiên Chúa được lớn lên trongcon người của mình và trong thế giới.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ VIỆC HỘI NHẬP


Việt nam là một đất nước có nền văn hóa phong phú đa dạng trên tất cả các khía cạnh vì đất nước việt nam có 54 dân tộc anh em có những phong tục khác nhau từ lâu đời. Ngày nay, vấn đề hội nhập văn hóa là một điều cần thiết cho những người từ nơi khác đến sống tại Việt Nam. Họ cần phải biết thích nghi và hội nhập với văn hoá của từng vùng. Người xưa có câu: “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Điều này muốn nói lên chúng ta chỉ có thể sống được với xã hội khi chúng ta biết hòa mình vào phong tục tập quán của xã hội đó. Vì thế, là người Kitô hữu, điều cần thiết là phải hội nhập để đem Kitô giáo giao thoa với nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

Để hội nhập văn hóa, chúng ta cần phải nắm rõ văn hóa là gì? Theo Tự điển Tiếng Việt, văn hóa là "tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử"[1]. Định nghĩa này thực ra còn khá trừu tượng, muốn hiểu chúng ta còn phải xét trước tiên "giá trị" là gì? Công đồng Vaticanô II định nghĩa văn hóa như sau: "Theo nghĩa tổng quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho loài người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn". Và Công đồng giải thích thêm: "văn hóa nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ "văn hóa" thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như nhân chủng học » [2]. Qua đó, chúng ta có thể kết luận : văn hóa chính là tập hợp các hành vi đặc trưng và những hiểu biết của một cộng đồng con người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và bền vững theo thời gian, và tác nhân của văn hóa là con người, vì thế "văn hóa nào không phục vụ con người, không phải là văn hóa thật", con người và văn hóa luôn gắn liền. Văn hóa đi liền với con người và phục vụ con người trong cuộc sống ở các phương diện khác nhau. Con cá sống nhờ nước, con chim sống nhờ bầu trời, song con người không chỉ cần nước để sống, cần khí để thở mà còn nhờ đến văn hóa. Bất cứ nền văn hóa nào cũng cần đến việc hội nhập để nói lên những ý nghĩa và quan niệm của cuộc sống. Lễ hội và nghi thức tôn giáo luôn phản ánh nền văn hóa dân tộc. Con thiên chúa làm người trên một mảnh đất, cho nên, Tin Mừng Ngài rao giảng cũng mang đậm nét văn hóa dân tộc. tin mừng lạ được rao giảng khắp thế giới nên nó lại cần được bén rễ trong những nền văn hóa khác nhau. Đó là sứ mạng của mỗi Kitô hữu trong việc thích nghi và hội nhập văn hóa.

Đối với văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa phong phú đa dạng, chúng ta đã bị ảnh hưởng nhiều từ một nền văn hóa mang đậm tính “nho giáo” của Trung Quốc; một nền văn hóa “hiện đại” của phương tây và nền văn hóa “lúa nước” truyền thống của Việt Nam thì việc hội nhập đòi hỏi chúng ta phải đào sâu và đi vào từng khía cạnh nhằm thỏa mản nhu cầu của người dân. Ngày nay, đã xuất hiện một nền văn hóa thứ ba, nghĩa là có sự sống chung của các nền văn hóa trong cùng một nước do những nền văn hóa khác du nhập vào. Nhưng đa dạng hóa không những chỉ được đánh dấu bằng sự chỗi dậy của các nền văn hóa bản xứ hoặc sự xâm nhập qua lại giữa các nền văn hóa mà còn ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại như: đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, toàn cầu hóa về kinh tế và các phương tiện truyền thông, tìm lợi nhuận bằng mọi giá trên bình diện kinh tế, kỹ thuật cũng như địa lý.
Văn hóa đi liền với con người và phục vụ con người trong cuộc sống ở các phương diện khác nhau. Chính vì tầm quan trọng của văn hóa nên Giáo Hội ngày càng ý thức mối liên hệ nội tại giữa Hội Nhập Văn Hóa của Tin Mừng và việc Tin Mừng hóa các nền văn hóa. Và mới đây nội dung thuật ngữ văn hóa đã được xác định: “văn hóa là phương cách đặc thù mà mỗi người và mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có được một cuộc sống nhân bản trọn vẹn”[3].
Để đem Tin Mừng vào nền văn hóa của nước ta, mỗi Kitô hữu cần phải nhạy cảm với mọi lễ nghi phong tục nhưng cũng phải trung thành với truyền thống Kitô giáo, nghĩa là dựa vào “văn hóa” mà truyền đạt những tư tưởng của Tin Mừng. Vì thế, chúng ta cần phải sống hết mình trước hết với xã hội và sau đó sống đúng với những gì mà chúng ta truyền đạt. Việc hội nhập còn đòi hỏi chúng ta luôn có tính sáng tạo để tìm ra những cái mới trong thời đại công nghệ thị trường này. Văn hóa bản địa là cái có từ lâu đời nên việc hội nhập cũng đòi hỏi chúng ta lắng nghe và tôn trọng nền văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm cho mọi người thấy rõ được đâu là nơi mà họ cần thỏa mãn với những khát vọng siêu việt của mình vì tính siêu việt thường được biểu lộ trong nền văn hóa. Kitô giáo đã được truyền vào Việt Nam đã hơn 450 năm, nhưng Đạo xem ra vẫn còn xa lạ đại đa số lương dân. Vì thế, các nhà truyền giáo cần phải xem xét lại quan điểm của mình về các truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc. Điều này đòi hỏi các nhà truyền giáo phải để ý không những đến văn hóa dân tộc, văn hóa Tin Mừng đã hội nhập mà còn đến những gì tuy thuộc văn hóa ngoại lai nhưng đã đâm rễ sâu trong truyền thống công giáo, cũng như nền văn hóa hiện đại đang ngày một lan rộng khắp mọi nơi, nhất là trong tầng lớp trẻ và dân thành thị.
 Tuy rằng, việc hội nhập của Kitô giáo đã có những thành công lớn nhưng chúng ta cần phải canh tân, tìm hướng đi mới để cho nền “văn hóa Kitô giáo” thấm nhập vào văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôn giáo và văn hóa là hai cái không thể tách rời nhau được. Việc giao thoa văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách để cho dân Thiên Chúa vừa có thể tôn vinh Thiên Chúa vừa có thể sống với nền văn hóa truyền thống của mình. Đây là việc làm mà mỗi Kitô hữu cần phải ý thức và chấp nhận mọi biến cố đau thương có thể xảy đến với mình, thậm chí là còn bị giết hại như Chúa Giêsu, vì Nước Trời mà bị mọi người đưa lên cây Thánh giá.



[1] MINH TÂN, THANH NGHI, XUÂN LÃM, từ điển tiếng việt, NXB Thanh Hóa, 1998, tr. 1476
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANO II,  hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 53
[3] Hội Đồng Tòa Thánh ,Huấn thị Thử tìm một hướng phục vụ cho vấn đề văn hóa, số 2