Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

ĐỨC MARIA – CON NGƯỜI CỦA SỰ CẦU NGUYỆN


Trong xã hội hiện nay, một xã hội mà đất nước phát triển nhanh chóng về mọi mặt, con người đang chạy đua theo thời gian, tiền tài, danh vọng, đời sống tâm linh của họ bị loại khỏi cuộc sống. Nên việc cầu nguyện không được nhiều người chú trọng. Đối với đời tu, việc cầu nguyện như là một món ăn hằng ngày không thể thiếu được và món ăn đó sẽ đưa con người đạt tới sự sống đích thực của mình là sự sống đời sau. Trong lịch sử Giáo Hội, các vị thánh luôn có một đời sống cầu nguyện, luôn kết hiếp mật thiết với Thiên Chúa trong mọi sự như: thánh Antôn, Biển Đức, Têrêxa Avila… Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhắc tới một vị thánh mẫu mực của đời sống cầu nguyện, đó là Mẹ Maria. Mẹ là tấm gương cầu nguyện cho các vị thánh và toàn thể nhân loại noi theo. Mẹ là con người của cầu nguyện, vâng phục và chiêm niệm. Mẹ chấp nhận thương đau vì Thiên Chúa và Mẹ luôn mời gọi toàn thể nhân loại “ hãy cầu nguyện không ngừng”.

1.     Đức Maria – con người sống đẹp lòng Thiên Chúa
Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Chúa Giêsu và là mẹ nhân loại. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban cho mẹ nhiều đặc ân mà trên trần thế không ai được như Mẹ. Mẹ được ơn trinh thai, một ân huệ đặc biệt chỉ mình mẹ mới có. Thiên Chúa còn cho mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội nghĩa là Thiên Chúa đã gìn giữ linh hồn Đức Mẹ không vướng phải vết nhơ tội nguyên tổ. Và sau khi mẹ qua đời, Thiên Chúa lại đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời.
Ađam và Evà đã phản nghịch cùng Chúa : hai ông bà đã ăn trái cấm , nghịch lại lệnh của Chúa. Quả thực, trái cây mà hai ông bà tổ tiên đã ăn chẳng đáng gì, nhưng sở dĩ hai ông bà nguyên tổ bị Chúa giáng phạt vì họ đã không vâng lời Chúa. Đây là tội phản bội. Tội này đã mang sự chết vào trần gian và tội tổ tông đã truyền cho con cái qua muôn thế hệ. Tuy nhiên, chỉ riêng mình Mẹ Maria, vì được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ cách riêng không mắc tội tổ tông truyền. Vì vậy, không một giây phút nào trong cuộc đời của Mẹ phải lệ thuộc ma quỷ, lệ thuộc tà thần hung ác. Đức Mẹ ngay từ lúc mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, linh hồn Đức Mẹ đã được tràn đầy thánh sủng, và các nhân đức siêu nhiên, đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần. Cho nên, khi thiên thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Mẹ, thiên thần đã cất tiếng: “kính chào Đức trinh nữ đầy ơn phước” (Lc 1,28 ). Đức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội vì Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ là Mẹ Đấng cứu chuộc, nên mẹ phải trong trắng vẹn tuyền, không vương tì ố của tội nguyên tổ và tội riêng mình làm. Đây là nét đẹp tuyệt vời của nữ tử Sion có tên là Maria. Một tên gọi dịu dàng, nhưng mang ý nghĩa cao vời. Tên Maria gói trọn tất cả. Trong tên gọi của Người đã gồm tóm cả nhân loại và đem lại cho từng người, cho nhân loại, cho lịch sử cứu độ niềm hạnh phúc vô biên. Hạnh phúc chỉ có thể có nơi thập giá sau này của Con Mẹ sẽ sinh ra cho trần gian. Mẹ Maria đã sống trọn nét đẹp sâu xa nhất Thiên Chúa dành để cho Mẹ.

2.     Đức Maria – con người chấp nhận thử thách vì đức tin
Trong suốt cuộc đời của mình trên trần thế, Đức Mẹ luôn tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, luôn nhìn thấy mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình dưới ánh sang đức tin. Mặc dầu tổng lãnh thiên thần Gabrien được Thiên Chúa truyền phải làm tất cả mọi sự để cho Đức Mẹ dễ tin: nào là thái độ hết sức cung kính, thánh thiện và nghiêm trang từ một thiên sứ từ trời được sai đến; nào là nói đúng theo lời các tiên tri từ xưa đã loan báo về Đấng Cứu Thế; nào là trưng ra phép lạ của người chị họ Isave già cả, son sẻ mà vẫn sinh con; nhưng Đức Mẹ, với lòng khiêm nhượng thẳm sâu, vẫn nhận thấy có điều thật khó tin vì một người phàm trần như Mẹ, thì làm sao được trở nên mẹ của Con Thiên Chúa được? Một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối như Mẹ, thì làm sao thụ thai được? Những điều này không thể thực hiện theo sức loài người được. Dầu vậy, khi thiên sứ quả quyết rằng không có gì mà Thiên Chúa toàn năng không làm được, thì Đức Mẹ nhắm mắt tin vào Lời Chúa với tất cả mọi điều mạo hiểm, mọi sự nguy biến, mọi nỗi đau khổ đau khổ hồn sxác sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Vì thế, sau hai tiếng vắn gọn “Xin Vâng”, Đức Mẹ quyết sống trọn vẹn đức tin của mình: đức tin đó không bị lay chuyển khi bị thánh Giuse hiểu lầm, khi bị bất hủi tại Bêlem, khi phải sinh con trong hang đá thô hèn, khi đứng lặng trên núi sọ dưới chân cây thập giá treo xác con mình. Khi sinh con Thiên Chúa, Đức Mẹ không thấy bên ngoài có gì để tin đó là con Thiên Chúa cao sang vô cùng: một trẻ thơ yếu hèn run lên vì lạnh, khóc lên vì yếu.

 Khi thấy con mình chết trên hai miếng gỗ lạnh lùng, bị người ta chê cười chế nhạo, bị môn đệ chạy trốn, bỏ rơi, không có gì là quyền năng của một vị Thiên Chúa. Dù không thấy gì bề ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là con thật của Thiên Chúa quyền năng vô cùng; dù biết mình được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ vãn không hiểu được Lời Chúa một cách đầy đủ, nên Đức Mẹ ngày đêm suy niệm Lời Chúa, ấp ủ Lời Chúa trong lòng, luôn cầu xin cho được hểu Lời Chúa mà đem ra thực hành trong cuộc sống. Vì thế, đời sống nội tâm của Đức Mẹ rất sâu xa và mãnh liệt; dù biết con mình là con Thiên Chúa toàn năng như lời quả quyết của thiên sứ Gabrien, nhưng Đức Mẹ chỉ thấy cảnh thất bại của con mình: thất bại khi sinh ra phải chạy trốn, thất bại khi lớn khôn ở Nadaret phải đổ mồ hôi trong vai người thợ mộc nhọc nhằn, thất bại khi rao giảng Tin Mừng bị mọi người cuối cùng tìm cách xa lánh và bắt giết, thất bại khi chết trên hai miếng gỗ trơ trọi giữa trời và đất. Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn thờ lạy con Thiên Chúa trong hang đá Bêlem, vẫn tin con Thiên Chúa trong vai người thợ mộc khó nghèo, vẫn tin con Thiên Chúa trong cái thân xác khốn khổ bị treo trên thập giá.

3.     Đức Maria – con người của sự vâng phục
Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ). Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công , cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Trái lại, Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ mà thành công. Hai tiếng “Xin vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, nhưng ảnh hương tới cả cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin vâng” với thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn sang Ai cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cũng chết với con vậy. Như thế, để nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiêng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

 4.     Đức Maria – con người của sự hiệp thông
          Kinh Thánh tuy không nói nhiều đến Đức Mẹ nhưng Mẹ là người duy nhất được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ của Thiên Chúa. Chính nhờ đời sống cầu nguyện của Mẹ đã khiến cho Thiên Chúa phải đoái nhìn. Cùng với nhân loại, Mẹ luôn trông chờ Thiên Chúa ngự đến và hằng hiệp thông với Thiên Chúa trong ân sủng, trong chức vụ làm Mẹ con Thiên Chúa và mẫu gương hiệp thông với tha nhân.
          “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”               ( Lc 1,28 ). Sứ thần Gabriel gọi Đức Trinh Nữ Maria là “Đấng Đầy Ân Sủng”, tên riêng này cho thấy Đức Maria hoàn toàn đặc sủng với Thiên Chúa, được Thiên Chúa sủng ái. Đây là đặc ân hoàn toàn do Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không. Chính trong ân sủng ấy, mà trong hành trình trần gian mẹ luôn lắng nghe và suy niệm trong lòng thánh ý Chúa đối với Mẹ, Mẹ không khước từ một sự cộng tác nào với Thiên Chúa để cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Mẹ tự hủy và từ bỏ mọi ý định của riêng mình để Xin Vâng cho trọn thánh ý. Và với sự hiệp thông trong ân sủng đó, mà Mẹ làm cho mọi vật nơi trần gian vui sướng được phục hồi và mọi vật trong âm phủ vui mừng được giải thoát để hiệp thông cùng Thiên Chúa; và từ quả phúc bởi lòng Mẹ, người con từ lòng trinh khiết rạng ngời của Mẹ sinh ra, mọi linh hồn công chính được hớn hở vui mừng, các thiên thần hân hoan, và mọi người thế cùng tạo vật trên trần gian được phục hồi sự hiệp thông với Thiên Chúa trong chức vị làm con.
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao” ( Lc 1,31 ). Ân huệ cao cả nhất mà Thiên Chúa ban cho Mẹ là được sinh ra Người Con độc nhất sinh bởi Đức Chúa Cha, là con Thiên Chúa, để Người Con ấy thực sự vừa là Con Thiên Chúa vừa là con của Đức Mẹ. Cả cuộc đời Đức Maria, từ lúc sinh ra cho đến lúc về trời, Mẹ xả thân không hề tiếc xót một chút gì để chu toàn một sứ vụ độc nhất: sứ vụ làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là lẽ sống duy nhất của Mẹ. Cả thân xác và sức lực, linh hồn và trí tuệ, Đức Maria đã tham gia vào lý tưởng ấy một cách triệt để. Đó là lý do tại sao Mẹ luôn trinh khiết mọi nơi, sống trong và theo ân sủng ở mọi hoàn cảnh cuộc sống. thái độ ấy bắt nguồn từ chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa và chức vụ này là kết quả của một sự hiệp thông với Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và lòng mến.
          “Bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi ba Êlisabet ( Lc 1,39 ). Nơi Mẹ Maria, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nội lực thúc đẩy Mẹ hiệp thông với tha nhân. Bởi khi lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ không giữ riêng cho mình, trái lại Mẹ trao ban, chia sẻ cho người khác đẻ ân sủng của

Thiên Chúa được triển nở và gia tăng nơi mọi người. Khi cưu mang con Thiên Chúa, “Tin Mừng toàn dân cho nhân loại”, niềm vui ấy Mẹ không thể giữ riêng một mình, nhưng cần được loan báo. Thánh Luca dùng những động từ “vội vã lên đường”, “vào nhà”,”chào hỏi” diên tả một thiếu nữ tràn đầy niềm vui có Chúa ở cùng, đầy tràn ân sủng đang tuôn trào ra để mang Chúa đến cho đời, mang niềm vui và hạnh phúc được Thiên Chúa viếng thăm đến cho con người.


Cuộc đời của Mẹ Maria đã để lại cho Giáo Hội có một cái nhìn mới về đời sống cầu nguyện. Sau khi về trời, Mẹ không ngừng kêu gọi mọi người “hãy cầu nguyện không ngừng”và tin vào Thiên Chúa. Đặc biệt, đối với đời tu, Mẹ không ngừng kêu gọi các tu sĩ phải biết noi gương Mẹ đáp trả tiếng “Xin Vâng” mà Thiên Chúa đã mời gọi. Việc đáp trả đó thể hiện qua đời sống hằng ngày của tu sĩ, chấp nhận mọi thương đau, thử thách của đức tin và hằng vâng phục Thiên Chúa tuyệt đối. Vì vậy, đời tu được mời gọi trở nên như Mẹ, là cánh tay của Thiên Chúa để không ngừng cộng tác vời Ngài trong việc cứu độ nhân loại, biết hạ thấp mình xuống để Thiên Chúa được lớn lên trongcon người của mình và trong thế giới.