Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

VIỆC ĐỌC KINH


VIỆC ĐỌC KINH DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA NHÂN LUẬN THẦN HỌC

Môn Nhận Luận Thần Học giúp ta suy tư về con người dưới ánh sáng mạc khải qua nhiều khía chạnh khác nhau. Đặc biệt nơi Đức Kitô, mạc khải đó trở nên trọn vẹn. Suy tư đó tiếp tục khiến mọi người nỗ lực không ngừng khám phá nơi đức Kitô về mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Ngài. Trong bài viết này, người viết xin được trình bày việc đọc kinh hạt trong đời sống tu trì dưới ánh sáng của Nhân Luận Thần Học để xây dựng mối tương quan của con người với Thiên Chúa và tha nhân trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Một trong những việc không thể thiếu của đời tu đó chinh là việc đọc kinh hạt. Trước tiên, việc đọc kinh giúp ta gắn bó với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn; kế đến việc đọc kinh dẫn ta vào mối tương quan với Thiên Chúa và với anh em; sau cùng việc đọc kinh giúp ta nhận ra thân phận mỏng giòn của mình chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa nhờ ánh sáng của mạc khải. Con người vừa là chủ thể tiếp nhận mặc khải vừa là nội dung được măc khải. Nhờ ân sủng, con người mới đón nhận được tình thương của Thiên Chúa qua qua Đức Kitô. Vì thế, việc đọc kinh không những giúp ta xây dựng mối tương quan với Đấng Tạo Hóa mà còn đưa ta tham gia vào công cuộc cứu độ của Ngài. Nhiều người tự hỏi việc đọc kinh đem lại lợi ích gì trong khi có nhiều việc khác đang cần chúng ta? Hay là chỉ cần loan báo Nước Thiên Chúa qua những công việc tông đồ hằng ngày là đủ rồi không? Và còn nhiều câu hỏi khác nữa để phủ nhận việc đọc kinh vốn là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người. Chúng ta biết rằng con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là nhờ vào việc con người có khả năng sống tương quan. Đời sống tương quan phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa nơi nhân loại. Việc đọc kinh cũng chính là xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đối với Thiên Chúa, Ngài không cần con người gắn kết với Ngài nhưng việc gắn kết đó đem lại ơn cứu độ cho ta. Vì vậy, việc đọc kinh đòi hỏi không ngừng các tu sĩ ngày đêm phải chuyên cần cầu nguyện. Nếu với đời sống thể lý, việc ăn uống hằng ngày là nhu cầu cần thiết để con người tồn tại thì đối với đời tu, việc đọc kinh hạt nuôi dưỡng các tu sĩ về đời sống thiêng liêng. Ngoài ra, việc đọc kinh còn đưa các tu sĩ có nhiều tâm tình khác nhau trong mối tương quan với Thiên Chúa: lúc thì tưởng nhớ lại việc Ngài giải thoát dân Israel trong lịch sử cứu độ, lúc thì hân hoan lên đền thánh, lúc thì khao khát tìm kiếm Thiên Chúa… Chúng ta có thể tìm thấy những tâm tình này qua việc đọc kinh phụng vụ hằng ngày. Do đó, việc xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên giống hình ảnh với Ngài và thông phần vào công cuộc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài.
Việc đọc kinh hạt không chỉ dừng lại nơi mối tương quan với Thiên Chúa mà còn phải biết mở ra với tha nhân. Công cuộc của Thiên Chúa chính là việc cứu độ toàn thể nhân loại, mở ra cho nhân loại, mọi người cùng nhau ca tụng Chúa và sống hiệp thông với nhau. Chính vì thế, không thể nói việc đọc kinh mà không nói đến cộng đoàn. Cộng đoàn chính là một cộng đồng nhỏ để chúng ta mở ra với tha nhân. Ngoài ra, việc đọc kinh của cộng đoàn phản ánh việc các tín hữu Giáo Hội sơ khai luôn sống liệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện (Cv 2,42). Mối tương quan với tha nhân chính là thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc16,15). Ơn cứu độ Thiên Chúa luôn dành cho tất cả mọi người chứ không phải một cá nhân hay một tập thể nào đó. Chính vì thế việc xây dựng mối tương quan với anh em mình qua việc đọc kinh rất quan trọng. Mặt khác, việc đọc kinh cũng giúp chúng ta nhớ đến những người nghèo ngoài xã hội, những người bất hạnh và những người đã qua đời mà chúng ta chỉ biết cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, việc xây dựng mối tương quan với tha nhân phản ánh việc con người tham gia vào việc tạo dựng của Thiên Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (St 1,28). Việc đọc kinh mở lòng ra với tha nhân, sinh ra những “con cái tin thần” cho Chúa qua việc sống mối tương quan, việc dướng dẫn đức tin hay đời sống chứng tá…

Nhân Luận Thần Học chính là cánh cửa mở ra cho mọi người cùng hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Nó không khép kín những gì đã đạt được nhưng mở ra cho con người tiếp tục suy tư về mọi khía cạch khác nhau trong công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân là điều không thể thiếu trong việc đọc kinh hạt hằng ngày trong đời sống tu trì.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013



Lạy Chúa, Con Đây


Lạy Chúa, 
con về thăm quê
và phải đối diện với nhiều câu hỏi khó trả lời: 
câu hỏi của hàng xóm về việc lập thân, 
câu hỏi của bạn bè về việc lập nghiệp, 
câu hỏi của họ hàng về “chức tước” trong đời tu…
Người ta có lý khi hỏi con những câu hỏi ấy, 
khi thấy bạn bè cùng trang lứa với con 
ai cũng đã dần có cuộc sống ổn định, 
còn con thì vẫn cứ long đong chưa thấy gì!
Con nhận ra một điều đơn giản
con đường theo Chúa đúng là long đong thật, 
nếu nhìn theo cái nhìn của người đời! 
Con làm rất nhiều và xây dựng rất nhiều, 
nhưng sự nghiệp của con vẫn là hai bàn tay trắng. 
Con giao tiếp rất nhiều và được nhiều người yêu mến, 
nhưng chẳng có người nào là của riêng con. 
Con nỗ lực để phát huy mọi khả năng của mình, 
và luôn cố gắng giữ một khoảng cách đủ xa 
với sức hút của địa vị và danh vọng…
Để sau một chặng đường dài, con ngoảnh đầu nhìn lại
thấy mình chẳng còn gì để cậy dựa, ngoài Chúa.
Lạy Chúa, 
xin dạy con luôn biết cảm nghiệm sâu xa
giá trị của những hy sinh và từ bỏ trong đời mình, 
để nơi cuộc đời có nhiều dang dở 
con luôn sống một ơn gọi triển nở và hạnh phúc, 
và đời con nên như một dấu chỉ hữu hình
về sức mạnh kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa.
Cao Gia An, S.J. .
 
Thuộc về mục: Lạy Chúa, con đây!
nguồn: http://dongten.net/noidung/22374

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM


THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM
Ngày nay trên thế giới đặc biệt ở các nước phương tây, các gia đình theo kiểu mẫu hệ ngày càng nhiều, tức là gia đình chỉ có mẹ va con. Việc tìm kiếm những kỹ thuật để hỗ trợ cho việc có con của các bà mẹ chúng ta không thể không kể đến việc thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy, thụ tinh trong ống nghiệm có ảnh hưởng gì đến luân lý Y Sinh Học và huấn quyền của Hội Thánh?
            Con người là một quà tặng đặc biệt của Thiên chúa, chúng được dựng nên nhằm mục đích để tôn vinh Thiên chúa. Thế nên, phẩm giá con người phải được tôn trọng từ khi thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Việc sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhằm mục đích giúp cho các bà mẹ vô sinh hay hiếm muộn có thể có con một cách dễ dàng, song việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị cao cả của con người. Khi thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều trứng của người phụ nữ sẽ được đưa ra dưới sự can thiệp của y khoa và đưa vào đó hàng loạt tinh trùng và tạo nên sự thụ tinh. Trong quá trình thụ tinh, các bác sĩ sẽ loại bỏ những hợp tử không cần thiết và chỉ giữ lại một hợp tử duy nhất. Các hợp tử bị loại bỏ đó cũng là một sinh linh như bao sinh linh khác, là một con người như bao con người khác. Điều này đi ngược lại với Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong việc tôn trọng sự sống. Vì vậy, Giáo Hội đã lên án mạnh mẽ hành vi thụ tinh trong ống nghiệm bất kể lý do nào.
Trong huấn thị Dignitas Personae[1], Giáo Hội cũng đã nói sự can thiệp của y khoa về vấn đề sinh sản cần phải tôn trọng ba thiện ích căn bản sau: thứ nhất, quyến sống và quyền toàn vẹn thể lý của mọi hữu thể từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Thứ hai, sự đơn nhất của hôn nhân. Thứ ba, những giá trị tính dục đặc thù của con người, một nhân vị sinh ra phải như là hoa trái hành vi phối ngẫu của tình yêu vợ chồng. Ngoài ra, huấn thị cũng đề cập đến việc những kỹ thuật của y khoa cũng phải nhằm mục đích hộ trở sinh sản cho các cặp vợ chồng.
Việc thụ tinh trong ống nghiệm kéo theo hành vi phá thai như những hành vi phá thai khác vì qua sự chọn lọc và loại bỏ những phôi không cần thiết. Trên thực tế cho chúng ta thấy, tỷ lệ phôi thai tử vong lớn hơn số phôi được hình thành. Khi đã hình thành phôi thai thì lúc đó, quyền sống của các phôi đó phải được tôn trọng và không có ai có thể xâm phạm lên quyến sống của chúng.
Một thực trạng khác mà huấn thị cũng nhắc tới đó là việc các cặp vợ chồng dù không bị vô sinh nhưng vẫn thực hiện hành vi thụ tinh trong ống nghiệm nhằm mục đích chọn lọc con cái di truyền của họ. Họ xem con cái mình như một món hàng và tạo ra chúng, cái nào tốt thì giữ lại còn cái nào không tốt thì bị loại bỏ. Họ quên mất rằng, những đứa con đó cũng là một con người, một nhân vị có giá trị như những nhân vị khác. Con người là một quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa, thế nên con người là một giá trị có tự do và sự sống. Mặt khác, Giáo Hội lên án mạnh mẻ việc tách biệt sinh sản ra khỏi hành vi vợ chồng. Việc sinh sản đó chỉ có vợ chồng mới có quyền thực hiện và không thể ủy quyền cho một đối tượng nào khác được. Hành vi phá thai của việc thụ tinh trong ống nghiệm là một hành vi thiếu ý thức tôn trọng các hữu thể nhân linh. Giáo Hội cũng khẳng định rằng: “không có kì thị trong tình yêu của Thiên Chúa giữa một hữu thể nhân linh vừa được thụ thai còn trong dạ mẹ, và em bé sơ sinh, hay một cậu thanh niên, hay là một người lớn hoặc người già [...] Bởi đó Huấn Quyền của Giáo Hội không ngừng tuyên bố đặc tình linh thánh và bất khả xâm phạm của mỗi sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến lúc kết thúc tự nhiên của sự sống đó”[2].
Con người là hình ảnh Thiên Chúa, con người là nhân tính mang trong mình thần tính của Thiên Chúa nên con người cần phải được tôn trọng với bất ký giá nào. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm kéo theo các sinh linh khác bị giết chết cũng là một biện pháp “phá thai” mà Thiên Chúa đã không cho phép trong điều răng thứ năm “tôn trong sự sống”. Mặt khác, thụ tinh trong ống nghiệm cũng đi ngược lại với luật tự nhiên trong đời sống vợ chồng (con cái là kết quả của tình yêu của hai vợ chồng). Mỗi con người được sinh ra và chết đi phải phụ thuộc vào luật tự nhiên, đúng hơn là chỉ có Thiên Chúa mới có quyền quyết định sự sống hay sự chết đối với mọi loài thụ tạo của Ngài. Khoa học phát triển, con người hầu như muốn làm chủ cả thế giới, muốn quyết định đến số phận của người khác, muốn đi ngược lại với những điều mà Thiên chúa đã truyền dạy.
Việc thụ tinh trong ống nghiệm là một hành vi mà thế giới cần phải lên án mạnh mẽ vì qua đó, phẩm giá con người mới được tôn trọng. Hành vi này là một trong những hình thức phá thai mà Giáo Hội đã lên tiếng chống lại nó. Phẩm giá con người là một hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa đã phú trên con người. Vì vậy, không có ai có quyền xâm phạm đến quyền làm người của những em bé vô tội.




[1] BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn Thị Dignitas Personae, s. 12.
[2] Sdd, s. 16.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013


CON NGƯỜI LÀ AI?

Trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, con người không ngừng tìm kiếm và giải đáp các vấn nạn về đời sống mình. Từ đó, các nhà khoa hoc, tâm lý học... không ngừng nghiên cứu về con người. Nhân luận triết học, xét như một chuyên ngành nghiên cứu về con người, cũng mang đến cho chúng ta hiểu một cách tổng quát về con người.
Con người là ai? Một câu hỏi đã khai mở ra cho rất nhiều người đi tìm câu giải đáp trong suốt chiều dài của lịch sử. Từ thời cổ đại, các triết gia đã có những nghiên cứu về nguồn gốc con người. Đến thời trung cổ, từ “con người” được diễn tả một cách độc đáo hơn, tức là con người được Thượng Đế tạo ra và tất cả mọi người đều quy hướng về Ngài. Đến thời cận đại hay hiện đại, con người được suy tư một cách khái quát hơn, mạnh mẽ hơn. Con người làm chủ mọi suy nghĩ, hạnh động của mình. Cũng vậy, các nhà khoa học, tâm lý học, vật lý học... cũng đã cho chúng ta những câu trả lời xác đáng về câu hỏi “con người là ai?”. Tuy nhiên, những câu trả lời về con người của các thời đại không làm cho con người thỏa mãn vì nó chỉ nói đến một khía cạnh nào đó về con người. Vì vậy họ luôn đi tìm cái sâu thẳm của con người. Từ đó, nhân luân triết học đã mang đến cho con người một sự giải đáp nào đó có thể hiểu về con người.
Từ xa xưa, Platon đã cho chúng ta biết về con người gồm có thân xác và linh hồn. Thân xác là cái ngục tù giam hãm linh hồn nên thân xác là một thứ đáng bị tiêu diệt. Linh hồn là cái bất tử, cái chính yếu nên giữa xác và linh hồn không có mối tương quan nào với nhau. Còn theo quan điểm của các triết gia trung cổ, linh hồn và thân xác con người có một tương quan đặc biệt với nhau, hỗ trợ nhau, bổ túc nhau và cùng nhau hướng về một tương lai đầy khát vọng. Vì vậy, con người là một thực thể gồm hồn và xác, con người mang trong mình sự tự do và ý chí và cái tự do này theo Descartes, nó là một quan năng siêu việt và có quyền lực vô biên. Tự do mang lại cho con người có tinh thần trách nhiệm về chính mình. Con người chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những thái độ, cử chỉ và hành vi của mình. Điều này trái ngược với quan điểm của Nietzsche, con người cần phải mạnh mẻ, vươn lên, tự do và tự lập. Theo ông, con người phải chấp nhận mọi biến cố xảy đến với mình và sống với nó, sống mạnh mẻ từ chối tất cả, làm chủ chính bản thân của mình, làm bất cứ điều gì nếu mình muốn và cần phải bạo dạn và vô cảm. Để hiểu rõ hơn về con người, Heidegger đã cho chúng ta một cái nhìn độc đáo về con người trong mối tương quan với hữu thể. Con người là cửa ngõ tiếp cận hữu thể. Ngoài những yếu tố tự nhiên của vũ trụ, con người còn có những mối bận tâm, lo lắng, tình cảm, hiểu biết... để hiểu biết về chính mình (hữu-tại-thế). Bên cạnh đó, con người còn phải luôn mở ra cho mình và cho người khác, tức là cuộc sống hiện tại là để hướng đến tương lai, tương lai là cái đích để con người sống trong hiện tại. Ngoài ra, đời sống con người con phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Cuộc sống hiện tại là con người, cái quá khứ đã là con người và cái tương lai cũng sẽ là con người. Vì vậy, con người luôn đi trong một tình huống hiện thực mà nó đã là và làm căn nguyên cho cái sẽ là. Hai yếu tố này dẫn con người đến một cuộc sống tầm thường hoặc xứng đáng. Ngoài ra, Heidegger còn đề cập đến cái chết mà bất cứ nhân vị nào cũng phải đối mặt. Chúng ta sẽ không thỏa mản về chính mình cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Chỉ đến lúc chết, con người mới đạt được toàn thể cuộc sống của mình. Nếu chưa chết, con người vẫn còn thiếu một cái gì đó mà nó sẽ là. Như vậy, chỉ có con người mới ý thức về cuộc sống mình, ý thức về cái chết, ý thức về mọi biến cố xảy đến cho mình.
Đứng trước câu hỏi: “con người là ai?”, nhân luận triết học cũng chỉ trả lời một phần nào đó về khía cạnh con người. Tuy nhiên, nó không như các nhà khoa học, vật lý hoc, tâm lý học... chỉ tìm hiểu con người trong giới hạn chuyên ngành của mình. Nhân luận triết hoc đã cho chúng ta cái nhìn một cách tổng quát hơn về con người. Con người là cái sâu thẳm của nó mà không có một thực tại nào như nó. Con người có hồn xác, có ý chí, tự do, con người biết nghĩ về bản thân mình, nghĩ về cuộc đời mình và nghĩ về cái chết, con người cần phải mở ra cho chính mình và cho người khác. Nhân luận triết học là một chuyên ngành nghiên cứu toàn diện về con người. Thế nhưng, nhân luận triết học cũng không thể giải đáp hết câu hỏi “con người là ai?” vì đời sống con người không ngừng chuyển động, không ngừng thay đổi. Mỗi phút giây con người sống hiện tại liền đi vào quá khứ một cách chớp nhoáng. Con người chỉ dừng lại và hoàn thiện chính mình khi con người bước vào cái chết.
Nhân luận triết học là môn học nghiên cứu con người một cách triệt để nhất, nó vượt xa những nghiên cứu của các ngành khác và đem đến cho chúng ta một sự thỏa mãn nào đó về con người. Tuy nhiên, chỉ có một Đấng duy nhất có thể hiểu con người một cách toàn vẹn đó là “Thượng Đế”, Đấng đã làm nên con người.