Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

TÂM TÌNH


Ngày nay, con người đang sống trong một thế giới đầy biến động, nạn khủng bố, chiến tranh hay là các hiểm họa của thiên tai lũ lụt không ngừng xảy ra. Đứng trước bối cảnh đó, có lẽ vẫn không có ít người kêu than hay trách móc Thiên Chúa. Xét về tự nhiên, điều này không hẳn là không đúng nhưng nếu chúng ta biết dừng lại để nhìn nhận sự việc và cảm nhận được ‘tiếng kêu’ của Thiên Chúa thì có lẽ đây là một cơ hội tốt để trở về với Ngài. Vì vậy, cần phải dành thời gian cho việc hồi tâm lại các biến cố của cuộc đời của mình, lắng đọng tâm hồn và kêu lên Thiên Chúa để Ngài chữa trị sự mù quáng của mình và luôn trung thành với Thiên Chúa lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ và ra đi loan báo tin mừng của Chúa cho mọi người.
   1. Tiếng kêu của Thiên Chúa và tiếng kêu của con người.
Trong cuộc sống, khi con người đối diện với những khó khăn, thử thách hay đứng trước cảnh cùng cực nhất của cuộc đời như : nghèo đói, đau khổ, chiến tranh hay là thiên tai, họ thường kêu lên Thượng Đế  để giúp họ thoát khỏi những khó khăn cùng cực đó. Đối với Kitô hữu chúng ta, có những lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình chán chường, thất vọng, có những con người không biết kêu cầu ai cả, cũng có những con người biết trông cậy vào Đấng mà mình tôn thờ, chúng ta biết kêu lên Thiên Chúa trước những khó khăn, những nỗi thất vọng của chúng ta. Đối với đời tu, chúng ta cần biết kêu lên Thiên Chúa nhiều hơn nữa để Ngài có thể chữa lành những căn bệnh nội tâm của chúng ta, những thói hư tật xấu mà chúng ta thường mắc phải, những lúc cô đơn chán chường, chúng ta cần tìm đến chúa như có lời đã chép trong Thánh Vịnh: “Tôi cất lời kêu lên cùng chúa, lời tôi kêu chúa, xin người lắng nghe” ( Tv 76 ). Lời kêu cầu của chúng ta lên Thiên Chúa giúp chúng ta biết trông cậy và phó thác vào ơn Chúa, ý thức về thận phận yếu hèn của mình. Thiên Chúa luôn biết chúng ta cần gì, chúng ta kêu gì và ngài luôn đáp trả tiếng kêu đó. Từ trong con tim, chúng ta sẽ nghe được tiếng lương tâm mách bảo về những việc của ta làm. Nếu chúng ta biết lắng nghe thì chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa và Lời Chúa sẽ chữa lành chúng ta. Vậy, chúng ta nghe tiếng Chúa ở đâu và nghe như thế nào?
Đời tu, đời bước theo chúa kitô hằng ngày giúp chúng ta không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa. Qua đời sống học tập, cầu nguyện… chúng ta được nghe tiếng Chúa qua nhiều hình thức khác nhau: Trong phụng vụ, chúng ta được nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh; trong học tập, chúng ta nhận ra tiếng Chúa qua những người giảng dạy. Lời Chúa là lời của chân lý và sự sống, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi bất kỳ người nào biết kêu cầu Ngài. Hình ảnh hai người mù Giêrikhô trong Tin Mừng Matthêu là một hình ảnh minh họa: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” ( Mt 20,30 ). Chắc chắn Chúa Giêsu biết người mù muốn cầu xin cái gì nhưng mà Ngài lại muốn người mù đó nói lên nguyện vọng của mình: “Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy được” ( Mt 20,33 ). Tiếng cầu xin đó đã làm Chúa Giêsu cảm động và chạnh lòng thương. Tiếng kêu của người mù Giêrikhô sẽ còn vang vọng mãi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, là những con người “mù”, lạy con vua Đavít xin thương xót chúng tôi. Mỗi người chúng ta có thể mù về đức tin, mù về chân lý hay mù về những cái bất công trong xã hội, về những người nghèo, những người đau khổ… Mỗi người chúng ta là những con người mang đầy thương tích của tội lỗi nhưng có lúc chúng ta không thấy những vết thương đó, chúng ta thường chỉ thấy cái rác trong con mắt người khác mà cái xà trong con mắt mình thì lại không thấy. Chúa Giêsu, Đấng đã đến thế gian để cứu độ loài người đã dạy chúng ta cần phải biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả lại tiếng của Ngài qua những người đau khổ. Chúng ta là những người được Chúa chữa lành nên chúng ta cũng phải có bổn phận đem ơn chữa lành đó cho những người đau khổ khác.
   2. Chúa Giêsu biến đổi hình dạng
Khi sống ở trần gian, Chúa Giêsu đã mang lấy bản tính xác phàm chỉ trừ tội lỗi. Ngài ra đi, đi đến với những người tội lỗi, những người gặp bất công trong cuộc sống. Ngài vâng lời Thiên Chúa Cha đến nỗi chấp nhận cái chết nhục nhằn đau thương trên thập giá. Thiên Chúa Cha đã sai Người đi và Người đã vâng lời. Hôm nay, Người cũng quy tụ chúng ta lại để bảo ban, dạy dỗ và sai chúng ta ra đi theo Người. Người đến với chúng ta với một tâm hồn tự khiêm tự hạ, người đến với chúng ta như một người bơ vơ không chỗ gối đầu. Tuy nhiên, để cũng cố đức tin của chúng ta người đã biến đổi hinh dạng trước mắt chúng ta ở trên núi Tabo ( Mc 9, 2-10 ) mà ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan là những người dại diện chúng ta được vinh phúc chiêm ngưỡng vinh quang đó. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, Ngài không ngần ngại chia sẽ quyền năng đó cho con người. Tuy nhiên, điều Thiên Chúa muốn không phải chúng ta ở lại với vinh quang đó mà phải ra đi để đưa vinh quang đó đến cho tất cả mọi người. Gương mặt đích thực của Thiên Chúa là gương mặt bị treo trên thập giá để ban phát tình yêu cho nhân loại. Thế nên, con đường theo Chúa là con đường chấp nhận đi đến cây thánh giá, chấp nhận mở lòng mình ra để Thiên Chúa biến đổi và trở nên những con người trung thành với Thiên Chúa lúc vui sướng cũng như lúc đau khổ. Kinh nghiệm biến biến hình là một kinh nghiệm mang đầy sự sống. Để có được kinh nghiệm đó, mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải biết hòa mình vào đời sống cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa hằng ngày, cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong đời sống cầu nguyện để qua đó, chúng ta được biến đổi về mọi phương diện để ra đi làm chứng cho Chúa Kitô.
   3. Maria madalena – người phụ nữ theo chúa đến cùng
Maria Madalena, người phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu đến cùng, đỉnh điểm là cây thập giá đã để lại cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trong việc bước theo Chúa Kitô. Chúng ta biết, vào thời Chúa Giêsu, người phụ nữ không được mọi người coi trọng. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài tỏ ra rất yêu thương Maria Madalena. Theo tin mừng, Maria Madalena là một người được Chúa Giêsu yêu mến và trừ bảy quỷ, ngài là người đầu tiên được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau cái chết của Chúa Giêsu, Maria Madalena đã trở thành gia đình mới của Thiên Chúa ( Ga 19,25-27 ). Maria Madalena là một người đặc biệt được ưu tiên về cái chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tình yêu bừng cháy trong trái tim người phụ nữ đã không rời mồ Chúa, mặc dù các Tông Đồ đã bỏ trốn tất cả. Ngài vẫn liên lỉ tìm kiếm Đấng mà ngài trước kia đã không tìm được. Ngài tìm kiếm trong nước mắt và bừng cháy trong ngọn lửa tình yêu, ngài khao khát được thấy Đấng ngài tưởng người ta đã mang đi khỏi. Vì ở lại với hy vọng tìm được Chúa, nên Maria Mađalêna đã là người duy nhất gặp được Người. Lòng kiên trung đã củng cố những việc lành và đúng như lời Chân Lý đã cho chúng ta biết: “Ai trung thành đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ”  ( Mt 16,21 ).  Chúng ta đừng bỏ dở cuộc tìm kiếm Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh cuộc sống; ngay cả trong những giờ phút chán nản hoặc tăm tối thâm nhập linh hồn chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa rất gần bên chúng ta trong những biến cố cuộc sống, mặc dù chúng ta không nhận ra Người.
Thế giới ngày nay, có những tiếng ồn ào đã làm mất cương vị của mình là con cái Thiên Chúa, nếu chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa Giêsu thì chúng ta cũng được thông phần và gia đình mới của Ngài. Gia đình mới này chỉ tồn tại khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Vậy, làm cách nào để chúng ta biết nhận ra tiếng chúa và gặp được Thiên Chúa? Khi chúng ta kết thúc cuộc đời này, chúng ta sẽ được gặp Chúa và sẽ trình diện với Ngài những điều chúng ta làm khi còn sống; Ngoài ra, người Kitô hữu có thể gặp được Chúa ngay trên cõi đời này qua việc cầu nguyện. Được gặp Chúa là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người. Maria Madalena xưa đã được ân huệ đó. Khi Chúa Phục Sinh đến gặp ngài, ngài cảm nhận được rằng ngài được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ, được Chúa chọn và được Chúa sai đến với các tông đồ để loan báo tin mừng phục sinh. Ngài xác tín rằng: Không những ngài được ơn Chúa yêu thương, mà ngài còn được ơn biết yêu mến Chúa và yêu thương người khác. Maria Madalena đã được gặp Chúa Phục Sinh và đón nhận ơn Phục Sinh không phải một cách miễn cưỡng. Vì vậy, chúng ta cần phải cảm nhận được ơn Phục Sinh của Chúa trên mỗi người chúng ta. khiêm nhường để nhận ra sự yếu hèn của bản thân mình, khiêm nhường vâng phục thánh ý thiên chúa và khiêm nhường sám hối.
Trong cuộc sống, tất cả mọi việc đều có thể xảy đến với mình: vui buồn, khó khăn hay thành công. Trước những sự việc đó, chúng ta cần biết dừng lại và suy nghĩ trước khi đối diện vớí nó. Điều tuyệt diệu hơn nữa là chúng ta biết phó thác mọi sự trong bàn tay của Thiên Chúa, lắng đọng tâm hồn để lắng nghe tiếng của Ngài và dâng lên Ngài những ‘tiếng kêu’ của mình. Nhờ đó, Thiên Chúa sẽ biến đổi con người chúng ta, Ngài sẽ tỏ vinh quang của Ngài cho chúng ta và chúng ta cũng được mời gọi đem vinh quang đó đến với tất cả mọi người.