Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013


CON NGƯỜI LÀ AI?

Trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, con người không ngừng tìm kiếm và giải đáp các vấn nạn về đời sống mình. Từ đó, các nhà khoa hoc, tâm lý học... không ngừng nghiên cứu về con người. Nhân luận triết học, xét như một chuyên ngành nghiên cứu về con người, cũng mang đến cho chúng ta hiểu một cách tổng quát về con người.
Con người là ai? Một câu hỏi đã khai mở ra cho rất nhiều người đi tìm câu giải đáp trong suốt chiều dài của lịch sử. Từ thời cổ đại, các triết gia đã có những nghiên cứu về nguồn gốc con người. Đến thời trung cổ, từ “con người” được diễn tả một cách độc đáo hơn, tức là con người được Thượng Đế tạo ra và tất cả mọi người đều quy hướng về Ngài. Đến thời cận đại hay hiện đại, con người được suy tư một cách khái quát hơn, mạnh mẽ hơn. Con người làm chủ mọi suy nghĩ, hạnh động của mình. Cũng vậy, các nhà khoa học, tâm lý học, vật lý học... cũng đã cho chúng ta những câu trả lời xác đáng về câu hỏi “con người là ai?”. Tuy nhiên, những câu trả lời về con người của các thời đại không làm cho con người thỏa mãn vì nó chỉ nói đến một khía cạnh nào đó về con người. Vì vậy họ luôn đi tìm cái sâu thẳm của con người. Từ đó, nhân luân triết học đã mang đến cho con người một sự giải đáp nào đó có thể hiểu về con người.
Từ xa xưa, Platon đã cho chúng ta biết về con người gồm có thân xác và linh hồn. Thân xác là cái ngục tù giam hãm linh hồn nên thân xác là một thứ đáng bị tiêu diệt. Linh hồn là cái bất tử, cái chính yếu nên giữa xác và linh hồn không có mối tương quan nào với nhau. Còn theo quan điểm của các triết gia trung cổ, linh hồn và thân xác con người có một tương quan đặc biệt với nhau, hỗ trợ nhau, bổ túc nhau và cùng nhau hướng về một tương lai đầy khát vọng. Vì vậy, con người là một thực thể gồm hồn và xác, con người mang trong mình sự tự do và ý chí và cái tự do này theo Descartes, nó là một quan năng siêu việt và có quyền lực vô biên. Tự do mang lại cho con người có tinh thần trách nhiệm về chính mình. Con người chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những thái độ, cử chỉ và hành vi của mình. Điều này trái ngược với quan điểm của Nietzsche, con người cần phải mạnh mẻ, vươn lên, tự do và tự lập. Theo ông, con người phải chấp nhận mọi biến cố xảy đến với mình và sống với nó, sống mạnh mẻ từ chối tất cả, làm chủ chính bản thân của mình, làm bất cứ điều gì nếu mình muốn và cần phải bạo dạn và vô cảm. Để hiểu rõ hơn về con người, Heidegger đã cho chúng ta một cái nhìn độc đáo về con người trong mối tương quan với hữu thể. Con người là cửa ngõ tiếp cận hữu thể. Ngoài những yếu tố tự nhiên của vũ trụ, con người còn có những mối bận tâm, lo lắng, tình cảm, hiểu biết... để hiểu biết về chính mình (hữu-tại-thế). Bên cạnh đó, con người còn phải luôn mở ra cho mình và cho người khác, tức là cuộc sống hiện tại là để hướng đến tương lai, tương lai là cái đích để con người sống trong hiện tại. Ngoài ra, đời sống con người con phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Cuộc sống hiện tại là con người, cái quá khứ đã là con người và cái tương lai cũng sẽ là con người. Vì vậy, con người luôn đi trong một tình huống hiện thực mà nó đã là và làm căn nguyên cho cái sẽ là. Hai yếu tố này dẫn con người đến một cuộc sống tầm thường hoặc xứng đáng. Ngoài ra, Heidegger còn đề cập đến cái chết mà bất cứ nhân vị nào cũng phải đối mặt. Chúng ta sẽ không thỏa mản về chính mình cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Chỉ đến lúc chết, con người mới đạt được toàn thể cuộc sống của mình. Nếu chưa chết, con người vẫn còn thiếu một cái gì đó mà nó sẽ là. Như vậy, chỉ có con người mới ý thức về cuộc sống mình, ý thức về cái chết, ý thức về mọi biến cố xảy đến cho mình.
Đứng trước câu hỏi: “con người là ai?”, nhân luận triết học cũng chỉ trả lời một phần nào đó về khía cạnh con người. Tuy nhiên, nó không như các nhà khoa học, vật lý hoc, tâm lý học... chỉ tìm hiểu con người trong giới hạn chuyên ngành của mình. Nhân luận triết hoc đã cho chúng ta cái nhìn một cách tổng quát hơn về con người. Con người là cái sâu thẳm của nó mà không có một thực tại nào như nó. Con người có hồn xác, có ý chí, tự do, con người biết nghĩ về bản thân mình, nghĩ về cuộc đời mình và nghĩ về cái chết, con người cần phải mở ra cho chính mình và cho người khác. Nhân luận triết học là một chuyên ngành nghiên cứu toàn diện về con người. Thế nhưng, nhân luận triết học cũng không thể giải đáp hết câu hỏi “con người là ai?” vì đời sống con người không ngừng chuyển động, không ngừng thay đổi. Mỗi phút giây con người sống hiện tại liền đi vào quá khứ một cách chớp nhoáng. Con người chỉ dừng lại và hoàn thiện chính mình khi con người bước vào cái chết.
Nhân luận triết học là môn học nghiên cứu con người một cách triệt để nhất, nó vượt xa những nghiên cứu của các ngành khác và đem đến cho chúng ta một sự thỏa mãn nào đó về con người. Tuy nhiên, chỉ có một Đấng duy nhất có thể hiểu con người một cách toàn vẹn đó là “Thượng Đế”, Đấng đã làm nên con người.