Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ VIỆC HỘI NHẬP


Việt nam là một đất nước có nền văn hóa phong phú đa dạng trên tất cả các khía cạnh vì đất nước việt nam có 54 dân tộc anh em có những phong tục khác nhau từ lâu đời. Ngày nay, vấn đề hội nhập văn hóa là một điều cần thiết cho những người từ nơi khác đến sống tại Việt Nam. Họ cần phải biết thích nghi và hội nhập với văn hoá của từng vùng. Người xưa có câu: “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Điều này muốn nói lên chúng ta chỉ có thể sống được với xã hội khi chúng ta biết hòa mình vào phong tục tập quán của xã hội đó. Vì thế, là người Kitô hữu, điều cần thiết là phải hội nhập để đem Kitô giáo giao thoa với nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

Để hội nhập văn hóa, chúng ta cần phải nắm rõ văn hóa là gì? Theo Tự điển Tiếng Việt, văn hóa là "tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử"[1]. Định nghĩa này thực ra còn khá trừu tượng, muốn hiểu chúng ta còn phải xét trước tiên "giá trị" là gì? Công đồng Vaticanô II định nghĩa văn hóa như sau: "Theo nghĩa tổng quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho loài người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn". Và Công đồng giải thích thêm: "văn hóa nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ "văn hóa" thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như nhân chủng học » [2]. Qua đó, chúng ta có thể kết luận : văn hóa chính là tập hợp các hành vi đặc trưng và những hiểu biết của một cộng đồng con người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và bền vững theo thời gian, và tác nhân của văn hóa là con người, vì thế "văn hóa nào không phục vụ con người, không phải là văn hóa thật", con người và văn hóa luôn gắn liền. Văn hóa đi liền với con người và phục vụ con người trong cuộc sống ở các phương diện khác nhau. Con cá sống nhờ nước, con chim sống nhờ bầu trời, song con người không chỉ cần nước để sống, cần khí để thở mà còn nhờ đến văn hóa. Bất cứ nền văn hóa nào cũng cần đến việc hội nhập để nói lên những ý nghĩa và quan niệm của cuộc sống. Lễ hội và nghi thức tôn giáo luôn phản ánh nền văn hóa dân tộc. Con thiên chúa làm người trên một mảnh đất, cho nên, Tin Mừng Ngài rao giảng cũng mang đậm nét văn hóa dân tộc. tin mừng lạ được rao giảng khắp thế giới nên nó lại cần được bén rễ trong những nền văn hóa khác nhau. Đó là sứ mạng của mỗi Kitô hữu trong việc thích nghi và hội nhập văn hóa.

Đối với văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa phong phú đa dạng, chúng ta đã bị ảnh hưởng nhiều từ một nền văn hóa mang đậm tính “nho giáo” của Trung Quốc; một nền văn hóa “hiện đại” của phương tây và nền văn hóa “lúa nước” truyền thống của Việt Nam thì việc hội nhập đòi hỏi chúng ta phải đào sâu và đi vào từng khía cạnh nhằm thỏa mản nhu cầu của người dân. Ngày nay, đã xuất hiện một nền văn hóa thứ ba, nghĩa là có sự sống chung của các nền văn hóa trong cùng một nước do những nền văn hóa khác du nhập vào. Nhưng đa dạng hóa không những chỉ được đánh dấu bằng sự chỗi dậy của các nền văn hóa bản xứ hoặc sự xâm nhập qua lại giữa các nền văn hóa mà còn ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại như: đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, toàn cầu hóa về kinh tế và các phương tiện truyền thông, tìm lợi nhuận bằng mọi giá trên bình diện kinh tế, kỹ thuật cũng như địa lý.
Văn hóa đi liền với con người và phục vụ con người trong cuộc sống ở các phương diện khác nhau. Chính vì tầm quan trọng của văn hóa nên Giáo Hội ngày càng ý thức mối liên hệ nội tại giữa Hội Nhập Văn Hóa của Tin Mừng và việc Tin Mừng hóa các nền văn hóa. Và mới đây nội dung thuật ngữ văn hóa đã được xác định: “văn hóa là phương cách đặc thù mà mỗi người và mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có được một cuộc sống nhân bản trọn vẹn”[3].
Để đem Tin Mừng vào nền văn hóa của nước ta, mỗi Kitô hữu cần phải nhạy cảm với mọi lễ nghi phong tục nhưng cũng phải trung thành với truyền thống Kitô giáo, nghĩa là dựa vào “văn hóa” mà truyền đạt những tư tưởng của Tin Mừng. Vì thế, chúng ta cần phải sống hết mình trước hết với xã hội và sau đó sống đúng với những gì mà chúng ta truyền đạt. Việc hội nhập còn đòi hỏi chúng ta luôn có tính sáng tạo để tìm ra những cái mới trong thời đại công nghệ thị trường này. Văn hóa bản địa là cái có từ lâu đời nên việc hội nhập cũng đòi hỏi chúng ta lắng nghe và tôn trọng nền văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm cho mọi người thấy rõ được đâu là nơi mà họ cần thỏa mãn với những khát vọng siêu việt của mình vì tính siêu việt thường được biểu lộ trong nền văn hóa. Kitô giáo đã được truyền vào Việt Nam đã hơn 450 năm, nhưng Đạo xem ra vẫn còn xa lạ đại đa số lương dân. Vì thế, các nhà truyền giáo cần phải xem xét lại quan điểm của mình về các truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc. Điều này đòi hỏi các nhà truyền giáo phải để ý không những đến văn hóa dân tộc, văn hóa Tin Mừng đã hội nhập mà còn đến những gì tuy thuộc văn hóa ngoại lai nhưng đã đâm rễ sâu trong truyền thống công giáo, cũng như nền văn hóa hiện đại đang ngày một lan rộng khắp mọi nơi, nhất là trong tầng lớp trẻ và dân thành thị.
 Tuy rằng, việc hội nhập của Kitô giáo đã có những thành công lớn nhưng chúng ta cần phải canh tân, tìm hướng đi mới để cho nền “văn hóa Kitô giáo” thấm nhập vào văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôn giáo và văn hóa là hai cái không thể tách rời nhau được. Việc giao thoa văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách để cho dân Thiên Chúa vừa có thể tôn vinh Thiên Chúa vừa có thể sống với nền văn hóa truyền thống của mình. Đây là việc làm mà mỗi Kitô hữu cần phải ý thức và chấp nhận mọi biến cố đau thương có thể xảy đến với mình, thậm chí là còn bị giết hại như Chúa Giêsu, vì Nước Trời mà bị mọi người đưa lên cây Thánh giá.



[1] MINH TÂN, THANH NGHI, XUÂN LÃM, từ điển tiếng việt, NXB Thanh Hóa, 1998, tr. 1476
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANO II,  hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 53
[3] Hội Đồng Tòa Thánh ,Huấn thị Thử tìm một hướng phục vụ cho vấn đề văn hóa, số 2